Cô gái “xương thủy tinh”
Thuở lọt lòng, Nguyễn Thị Thu Thương bị mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Đến nay, dù đã bước sang tuổi 31, chị vẫn chỉ nặng chưa đầy 18kg, không khác gì một đứa trẻ với chiều cao áng chừng 80cm. Thương được nhiều người biết đến như một tấm gương sáng về người khuyết tật vượt khó.
Sinh năm 1983, Thương là con thứ hai trong gia đình bốn anh chị em tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Số phận nghiệt ngã buộc chị phải quanh năm gắn bó với manh chiếu trong nhà, không thể tự di chuyển bằng chân mà phải lăn mình đến các nơi trong căn phòng bé nhỏ.
Cô gái “xương thủy tinh” tình cờ biết đến câu lạc bộ cho người khuyết tật “Vì ngày mai” trong một chương trình truyền hình. Thương đòi bố mẹ cho tham gia, sợ con ốm đau, cả gia đình không ai đồng ý. Nhưng vì Thương quả quyết, bố mẹ cũng phải gác lại mấy việc để đưa con gái đi học nghề.
Không những chăm chỉ học nghề mà Thương còn rất biết sáng tạo. Các sản phẩm khăn len, mũ len, tất, túi đeo điện thoại, đèn bàn bằng cúc áo lần lượt ra đời. Ít lâu sau, cô mày mò làm thiệp, tranh giấy cuốn.
Một nhãn hiệu Thương Thương đã được mở ra. Tất cả sản phẩm được bày bán trong chiếc tủ nhỏ tại nhà. Cô còn mở cả website bán hàng qua mạng lấy tên miền là Thuongthuong.net.
Ngày đó, dù mới kinh doanh và tiền kiếm được chẳng là bao, xong mỗi sản phẩm bán ra chị luôn trích 5% để lập ra quỹ “Thắp sáng ước mơ” giúp đỡ những người khuyết tật còn khốn khó.
"Cô giáo nhà" dạy làm tranh giấy
Thương bảo: “Nếu cho người ta con cá, sớm hay muộn họ cũng sẽ ăn hết thôi. Cho cần câu thì sẽ suốt đời nuôi sống họ”. Chính vì vậy, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ và nhận dạy nghề cho những người khuyết tật có nhu cầu.
Lớp học ấy cũng chính là căn phòng nhỏ của cô gái “xương thủy tinh”. Học trò hầu hết là người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Họ đều mang trong mình khát khao có việc làm, sống có ích và tự lập để có thể lo được cho bản thân. Cũng có nhiều trường hợp các em học sinh vì thích thú, say mê với đồ thủ công cũng tìm đến tận nơi nhờ cô dạy học.
Căn phòng nhỏ tại số nhà 13, ngõ 11 Lương Đình Của (Kim Liên, Hà Nội) không lúc nào vắng bóng người vào ra.
Giám đốc trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật
Thương tâm sự: “Ý tưởng xây dựng trung tâm dạy nghề này tôi đã ấp ủ từ cái hồi còn theo mẹ, cha ngày ngày đến trung tâm “Vì ngày mai” học việc. Tôi gần như bị ám ảnh, luôn tưởng tượng ra viễn cảnh một ngôi nhà thật to với đông đảo những người bạn đồng cảnh ngộ như mình, cùng sống, cùng ăn và lao động trong không khí đầm ấm, vui tươi”.
Phải đến 10 năm sau, khi số tiền dành dụm trong suốt bao nhiêu năm kinh doanh được hơn 200 triệu, chị đã được bố mẹ hỗ trợ mua cho một mảnh đất tại quê nhà và bắt tay vào xây dựng ước mơ.
Hiện tại, chị Thu Thương đang là giám đốc của trung tâm dạy nghề, có thu nhập trung bình hơn 40 triệu đồng/tháng. Cơ ngơi khang trang rộng 170m2 mang tên “Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương” đã chính thức đi vào hoạt động từ đợt tháng 2/2014 với số học viên ban đầu là 15.
Sắp tới, sẽ mở rộng tuyển thêm nhiều học viên ở nhiều địa phương để tạo cơ hội việc làm cho những người khuyết tật đang gặp hoàn cảnh khó khăn.