Cách trung tâm TP. Thái Nguyên chưa đầy 20km nhưng để hỏi được về ngôi nhà của bố con cậu bé Ngô Thành Tự ở xóm Rừng Chùa, xã Phúc Trìu. Lại mất thời gian khá lâu bởi nó như được “giấu kĩ” và “lẩn khuất” sau rừng cây cao ngút và những dãy núi trập trùng. Trên khoảnh đất rộng, mấp mô của đá và núi rừng là căn nhà lụp xụp của bố con bé Tự với những mảng tường bong tróc mà có lẽ đã trải qua mấy đời người ở nhưng chưa một lần được cải tạo lại.
Trên khoảnh đất rộng, mấp mô của đá và núi rừng là căn nhà lụp xụp của bố con bé Tự với những mảng tường bong tróc mà có lẽ đã trải qua mấy đời người ở nhưng chưa một lần được cải tạo lại.
Ngồi thu lu một mình ở góc giường, nghe tiếng người lạ vào, cậu bé Tự ú ớ điều gì đó như muốn chào nhưng lại không thể cất thành lời.
Khuôn mặt dị thường của bé Tự khiến người đối diện phải giật mình, thảng thốt trong lần đầu tiên gặp.
Choáng, sốc và cái cảm giác rờn rợn ở sống lưng là điều mà tôi cảm nhận đầu tiên khi thấy em. Một hình hài quá ư nhỏ bé và mỏng manh so với thời gian 8 năm từ khi được sinh ra. Đặc biệt gương mặt “dị dạng” với vòm miệng hở như không thể rộng thêm được nữa, Tự dễ khiến người khác phải giật mình, thảng thốt trước khi nước mắt bắt đầu rơi xuống.
Được quây sơ sài trong chiếc chăn mỏng đã cũ bợt và rách hở cả bông, em huơ huơ đôi bàn tay bé xíu ra lần lần thành giường để định xuống đất nhưng ngay lập tức bị ngã dúi cả người xuống. Thấy thằng bé đổ nghiêng, đổ ngả trên giường, bác Nguyễn Thị Chính (hàng xóm) cho hay: “Thằng bé không nhìn thấy gì đâu nên các cô, các chú để ý đến cháu nhé không nó ngã xuống đất lại khổ”.
Lần thứ hai nhìn trực diện vào khuôn mặt ấy, những người có mặt, không ai nói với ai được lời nào chỉ thấy nước mắt bắt đầu ướt nhèm và trong lòng như nghẹn lại. Không có được một khuôn miệng lành lặn, em còn không có cả luôn một đôi mắt mà ở vị trí ấy chỉ là hai chấm nhỏ nhỏ màu đen như để đánh dấu sự “thiếu sót” của bà mụ nào đó đã nặn ra em.
Từ khi sinh ra, khuôn miệng của em đã dị dạng khác thường, em cũng hoàn toàn không có một đôi mắt như người khác.
Theo lời kể của anh Tạ Văn Trà (trưởng xóm Rừng Chùa) được biết: Hàng ngày Tự được quây trong chiếc chăn ngồi ở nhà chơi một mình ở góc giường để bố của em là anh Ngô Văn Thái đi phu hồ. Đến bữa cơm thì có người họ hàng hoặc hàng xóm, láng giềng sang bón cho em ăn rồi thằng bé lại ngồi như thế đến lúc bố về. Hai bố con sống lủi thủi cũng đã gần 3 năm nay kể từ khi vợ chồng anh Thái li hôn để đường ai nấy đi.
Ngồi chơi với Tự, em không nói được cũng không nhìn thấy gì nhưng lại nghe rất rõ tiếng nựng: “Ra đây cô bế nào” nên ngay lập tức giơ tay ra để được bế. Cái cảm giác rợn rợn ban đầu không còn nữa khi Tự xoa xoa đôi bàn tay bé xíu của mình lên mặt tôi ra chiều gần gũi lắm. Có lẽ đã lâu lắm rồi thằng bé không được ai bế ẵm nên tỏ ra thích thú và chơi ngoan cho đến lúc bố về.
Khác với những ngày thường, hôm nay đi làm về, anh Thái vui hẳn, anh kể: “Có đoàn nhà chùa cho bố làm nốt mấy ngày nữa để có tiền mua cho thằng Tự bộ quần áo mới và khoanh giò để ăn Tết nhé” khiến thằng bé cứ ôm chặt lấy cổ bố không dời.
Nhìn cảnh bố con quấn quýt, người ông họ Kiều Văn Núi gạt nước mắt cho hay: “Cuộc sống của hai bố con khổ cực lắm nhưng được cái thằng Thái lúc nào cũng lạc quan. Ngày nào nó cũng dỗ con như thế rồi hai bố con lại cười với nhau chứ thực sự thì cái ăn cho no bụng lo còn chưa đủ, nói gì đến mua quần áo mới hay thứ gì đó ngon cho con ăn”.
Trong câu chuyện miên man với anh Thái, anh cho biết: “Nhìn con thế này, người làm bố, làm mẹ nào cũng xót em ạ. Ngày cháu còn nhỏ, anh cũng đã có lần cho cháu lên bệnh viện Hà Nội nhưng bác sĩ nói cháu yếu và dị tật nhiều quá nên không can thiệp được. Không biết bây giờ y học phát triển, dị tật của con có chữa được không nhưng quả thật thì anh không có tiền cho cháu đi nữa em ạ”.
Hình ảnh đứa trẻ đáng thương ngồi chơi một mình trong chiếc chăn cũ đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Nói rồi, anh Thái cúi gằm mặt xuống như để che giấu sự xấu hổ và tội nghiệp cho phận nghèo của mình. Thương con đến đứt ruột nhưng anh còn biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng đi làm kiếm cái ăn và hàng ngày trở về với con khi nhà nhà đã sáng đèn. Nhìn con, anh Thái càng ngậm ngùi, kể về ước mơ của cuộc đời mình: “Bấy lâu nay, anh chỉ có một nguyện vọng duy nhất là con được chữa bệnh để nó có được hình hài lành lặn như bao đứa trẻ khác. Cũng một kiếp con người mà sao con trai anh lại thiệt thòi đến thế hả em, nhìn con nhiều lúc anh cũng không cam lòng đâu nhưng chẳng biết làm thế nào cả”.